Ngành nghề chế biến nước mắm trong thời kinh tế hội nhập của tỉnh Khánh Hòa            

Thứ năm - 20/10/2016 16:58
Giám đốc Đỗ Hữu Việt giới thiệu sản phẩm nước mắn của công ty cho khách hàng
Giám đốc Đỗ Hữu Việt giới thiệu sản phẩm nước mắn của công ty cho khách hàng
            Trước xu thế hội nhập sâu rộng với các ngành nghề, cách thức công nghệ hiện đại thì các làng nghề truyền thống đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong đó, sản xuất, chế biến nước mắm truyền thống là một điển hình.
         Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, với nhiều tiềm năng về kinh tế biển. Gắn liền với kinh tế biển, sản xuất nước mắm là ngành nghề truyền thống lâu đời của địa phương, được phát triển hàng trăm năm tuổi và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau.Những năm qua cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, ngành nghề sản xuất nước mắm ở tỉnh Khánh Hòa đã có những tiến bộ vượt bậc cả về sản lượng, chất lượng và uy tín thương hiệu trong cả nước. Với hơn 100 cơ sở sản xuất nước mắm trải khắp địa bàn tỉnh Khánh Hòa: Cam Ranh, Cam Lâm, Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh,... Sản lượng hàng năm đạt 25 triệu lít nước mắm, tương ứng với số nguyên liệu cá sử dụng là 21.000 tấn.Nhiều doanh nghiệp, cơ sở đã đầu tư nhiều tỷ đồng để mở rộng nhà xưởng, nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến mẫu mã bao bì, tham gia quảng bá thương hiệu.
         Năm 2006,nhãn hiệu nước mắm Nha Trang được Cục Sở hữu Trí tuệ trao giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể"Nước mắm Nha Trang".Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cũng được thành lập để tập hợp cơ sở chế biến nước mắm nhằm phát triển và bảo vệ thương hiệu nước mắm Nha Trang.
         Tuy nhiên khi kinh tế đất nước đi vào hội nhập sâu rộng, thị trường mở cửa, tầm hiểu biết, cung cách sản xuất, kinh doanh của các cơ sở sản xuất chưa xứng tầm, do đó nghề sản xuất nước mắm tại Khánh Hòa đã và đang đối mặt với một số khó khăn như: thiếu định hướng, thiếu chiến lược, thiếu nguyên liệu, nguồn nhân lực, diện tích sản xuất, đầu ra bấp bênh, thiếu vốn đầu tư sản xuất, không bắt kịp với tốc độ, sự phát triển của thị trường. Trong khi đó, để sản xuất kinh doanh nước mắm đòi hỏi đầu tư nguồn vốn lớn, với chiến lược lâu dài mới phát triển bền vững và cung cấp nhiều loại nước mắm có chất lượng cao ra thị trường.Nhưng trên thực tế, đại đa số các cơ sở, tổ chức sản xuất, chế biến nước mắm tại Khánh Hòa là doanh nghiệp vừa và nhỏ với những với đặc điểm hạn chế: tồn tại và phát triển tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết về kinh tế và kỹ thuật; trình độ quản lý và năng lực tài chính hạn chế, thị trường nhỏ hẹp, khả năng xây dựng thương hiệu và cạnh tranh trên thị trường thấp, trình độ khoa học công nghệ và năng lực đổi mới rất hạn chế, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động yếu. Việc tiếp cận, hiểu biết về hội nhập quốc tế rất hạn chế, đặc biệt năng lực tiếp cận với các văn bản và hệ thống chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế để nâng cao năng lực của chính mình trong sản xuất, kinh doanh. Những điểm yếu này khiến cho các cơ sởsản xuất nước mắm rất nhạy cảm trước những thay đổi của môi trường kinh tế, xã hội, gặp nhiều lúng túng.Các chương trình hỗ trợ vốn, hỗ trợ phát triển năng lực cạnh tranh của địa phương cho các cơ sở này tính đến nay vẫn chưa hiệu quả, điều kiện vay vốn còn khắt khe, nhiều thủ tục và yêu cầu tài sản thế chấp, yêu cầu về tài chính,… Những giải pháp nhằm thay đổi, tăng cường năng lực tiếp cận với các thông tin, chính sách pháp luật và thông lệ quốc tế trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là về kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn, quy định về chất lượng nước mắmcho các cơ sở đến nay vẫn chưa được địa phương thật sự quan tâm, hỗ trợ tốt.
         Cũng từ chính năng lực hạn chế nên việc kiểm tra kiểm tra, kiểm nghiệm sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường chưa được thực hiện tốt. Cùng với ý thức chấp hành pháp luật và chạy theo lợi nhuận của một số cơ sở, còn vi phạm quy định về ghi nhãn như chưa đầy đủ nội dung hoặc vì mục đích quảng cáo mà làm sai lệch nội dung ghi nhãn, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đảm bảo với so với mức cơ sở tự công bố. Chưa nói đến việc kiểm mẫu sản phẩm tại các trung tâm kiểm nghiệm của Nhà nước thường đưa ra những sai lệch, không cùng một kết quả cho cùng một mẫu khi đưa đi kiểm nghiệm. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lấy mẫu đột xuất tại một số thị trường và có biện pháp xử lý thích đáng, kể cả việc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người tiêu dùng biết. Mặt khác, cần phát huy vai trò giáo dục, hướng dẫn, kiểm tra nhằm nâng cao nhận thức trong việc kinh doanh chân chính và bảo vệ thương hiệu của nước mắm Nha Trang.Bản thân của những cơ sở này cần phải nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và nghiêm túc thực hiện những gì đã công bố, cam kết với khách hàng và đó là con đường phát triển bền vững của cơ sở.
         Cũng phải nói thêm rằng, địa phương cũng chưa thật quan tâm, giải quyết nhanh chóng và dứt điểm, trong việc đầu tư, quy hoạch vùng làng nghề cho sản xuất nước mắm, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm vừa sản xuất vừa chờ đợi sự đầu tư, hỗ trợ, định hướng vùng làng nghề ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó thị trường nước mắm đang có tính cạnh tranh gay gắt, sự mập mờ trong việc đăng ký độ đạm nước mắm của các hãng nước mắm công nghiệp, mà hiện nay chiếm từ 60-70% thị phần trong nước.Cùng với ý thức, nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, khắt khe trong việc lựa chọn mua hàng hóa, sản phẩm. Điều đó đồng nghĩa với việc lựa chọn những loại nước mắm danh tiếng, được nhà nước bảo hộ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhãn hàng uy tín, có công nghệ sản xuất hiện đại khép kín và theo tiêu chuẩn quốc tế. Là thách thức rất lớn đối với các cơ sở làm nước mắm truyền thống Khánh Hòa khi đang phải vất vả cạnh tranh để tồn tại và ngày càng trở nên yếu thế, nguy cơ thương hiệu nước mắm Nha Trang bị mai một hoặc mất dần là điều rất dễ xảy ra.
         Vì vậy, hơn lúc nào hết, tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm chú trọng, sớm có sách lược bảo trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giữ gìn và phát triển thương hiệu nước mắm Nha Trang xứng đáng với uy tín chất lượng và bề dày lịch sử của món đặc sản này.

Tác giả bài viết: Đỗ hữu Việt - Giám đốc Cty CP Chế biến Thủy sản 584 Nha Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây