Doanh nhân Cựu chiến binh - Mô hình kinh doanh mới hiệu quả, chia sẻ với người nghèo

Thứ bảy - 08/12/2018 06:00
Với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, hàng năm, Doanh nhân cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đức Điện - thôn Tân Phước Tây, xã Vạn Phước thu về khoảng 1,5 tỷ đồng. Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào "Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi" được các cấp hội biểu dương.
Ông Nguyễn Đức Điện với vợ bên lò gạch
Ông Nguyễn Đức Điện với vợ bên lò gạch
         Đoàn công tác Thường trực Hội Doanh nhân CCB Khánh Hòa đến cơ sở sản xuất gạch của ông Nguyễn Đức Điện khi ông đang điều hành công nhân cho ra gạch nung mới. Cơ sở sản xuất gạch của ông đang tạo việc làm cho hơn 70 người dân địa phương, với mức lương từ 4,5 đến 12 triệu đồng/người/tháng. Điều đặc biệt là phần lớn công nhân tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn hay CCB hoặc con em của họ. Nhiều năm qua, nơi đây không chỉ cho họ việc làm với thu nhập ổn định, mà họ còn thường xuyên được đón nhận sự quan tâm hỗ trợ của ông chủ Xí nghiệp. Ông Trần Văn Tám chia sẻ: “Tôi làm gạch ở đây đã hơn chục năm nay. Vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên tôi thường xuyên được ông Điện động viên, hỗ trợ cả về tinh thần lẫn vật chất. Đặc biệt 3 năm trước, khi tôi làm nhà, ông đã hỗ trợ toàn bộ gạch và ngói. Không riêng gì tôi mà công nhân nào gặp khó khăn, khi làm nhà đều được ông Điện hỗ trợ gạch, ngói, xi măng…”.
     Ông Điện quê gốc ở tỉnh Thái Bình. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về địa phương vào năm 1983. Năm 1986, ông đã đưa vợ con vào lập nghiệp tại xã Vạn Phước. “Khi mới vào đây sinh sống, vợ chồng tôi xin vào làm công nhân tại một lò gạch. Lúc bấy giờ, điều kiện kinh tế gia đình hết sức khó khăn và tôi cũng được ông chủ lò gạch hỗ trợ rất nhiều. Đến năm 1996, được sự hỗ trợ và động viên của ông ấy, tôi đã mở xưởng sản xuất gạch và hoạt động cho tới hôm nay. Chính vì lẽ đó mà tôi rất đồng cảm với những người Xí nghiệp ngạch àm công cho mình”, ông Điện kể.
        Tiên phong với những mô hình mới
        Được biết, để tiết kiệm công lao động cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa qua, ông Điện đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch tuynel trị giá gần chục tỷ đồng. Bên cạnh không ngừng mở rộng quy mô cơ sở sản xuất gạch, ông Điện còn đầu tư mua 3 chiếc máy đào và 4 chiếc xe ben để hoạt động dịch vụ san lấp mặt bằng. 2 mô hình này đã cho ông thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm.
       Năm 2017, Hội CCB xã Vạn Phước thành lập Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi và được UBND xã giao 7ha đất ở khu vực bãi thải của hồ chứa nước Hoa Sơn để xây dựng thí điểm một số mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Dù tuổi cũng đã cao, song với sự vận động của Hội CCB xã, ông Điện đã tiên phong tiếp nhận 2,5ha đất ở khu vực này để xây dựng mô hình nuôi cá chình nước ngọt và lươn trong bể không bùn. “Trước đó, tôi đã được tìm hiểu mô hình nuôi cá chình nước ngọt rất hiệu quả ở Phú Yên trong một lần đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế. Vì vậy, khi được giao đất ở khu vực gần hồ Hoa Sơn, với lợi thế về nguồn nước sạch, tôi đã quyết định đầu tư mô hình nuôi cá chình, sau đó thêm mô hình nuôi lươn trong bể không bùn”, ông Điện cho biết.

      Ông Điện và con trai theo dõi sự                         phát triển của cá chình.
      Sau khi được giao đất, ông Điện đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình trang trại nuôi cá chình và lươn. Trong đó có 20 hồ (tổng diện tích 250m2) nuôi lươn và 10 hồ (tổng diện tích 250m2) nuôi cá chình khép kín, cùng các công trình phụ trợ như: nhà quản lý, hệ thống xử lý nước đầu vào, hệ thống thu gom nước… Sau khi hoàn thiện các hạng mục, ông Điện đã thả nuôi lứa lươn và cá chình đầu tiên, với chi phí tiền con giống 250 triệu đồng.
     Dù chỉ mới thả nuôi hơn 4 tháng, song quá trình theo dõi ông thấy cả 2 đối tượng này đều phát triển rất tốt, đặc biệt tỷ lệ hao hụt đến thời điểm này rất thấp.
     Ông Lê Đình Việt - Chủ tịch Hội CCB xã Vạn Phước cho biết: “Ông Điện là một tấm gương CCB làm kinh tế giỏi tiêu biểu của địa phương, nhiều lần được các cấp hội từ xã đến Trung ương tuyên dương. Bên cạnh đó, ông cũng rất nhiệt tình giúp đỡ các hội viên khác trong đời sống cũng như trong làm kinh tế để cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Riêng với mô hình chăn nuôi mới của ông, chúng tôi xác định là mô hình điểm và dù mới hoạt động thời gian ngắn nhưng đã được Hội CCB tỉnh và huyện đánh giá rất cao ở tính khả thi. Nếu mô hình này mang lại hiệu quả cao, chúng tôi sẽ khuyến khích nhân rộng phát triển trong câu lạc bộ cũng như trong hội”.

Tác giả bài viết: Phó TTK  Hội DNCCB Khánh Hòa 

Nguồn tin: Nguồn tin Chi hội DNCCB huyện Vạn Ninh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây