HỘI DOANH NHÂN CCB KHÁNH HÒA LỚN MẠNH

Thứ hai - 18/04/2016 16:00
BCH HỘI DN CCB KHÁNH HÒA, NHIỆM KỲ 2012-2017
BCH HỘI DN CCB KHÁNH HÒA, NHIỆM KỲ 2012-2017

Thành lập từ cuối năm 2012, Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Khánh Hòa đã làm được nhiều việc cho đồng đội, cho cộng đồng và xã hội. Những thành viên của Hội muốn khẳng định rằng: đánh giặc hay làm kinh tế, đều hoàn thành tốt.

 
Đoàn xe Taxi Quốc tế - Công ty CP.Thương mại – Dịch vụ du lịch của CCB Nguyễn Xuân Thùy trong buổi khai trương các dịch vụ tại Khu du lịch Nhân Tâm của ông Cù Văn Thành
 
CÁC DOANH NGHIỆP ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN
        Mới đây, trên 70 hội viên Hội Doanh nhân Cựu chiến binh Khánh Hòa đã tổ chức cuộc Hội thảo “Doanh nhân Cựu chiến binh với môi trường kinh doanh thời kinh tế hội nhập”. Nhiều ý kiến phát biểu của các doanh nhân nặng về tâm tình, chia sẻ với nhau.
        Hơn hai năm qua, Hội Doanh nhân cựu chiến binh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng kể. Các doanh nhân ngành dịch vụ và du lịch tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước; ngành sản xuất, chế biến sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6%; ngành xây dựng, nguyên vật liệu, điện tử tăng trên 8%. Đặc biệt, không có doanh nhân nào phá sản. Đến dự hội thảo, có ông Lê Thanh Quang (thương binh, cựu chiến binh) - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa. Ông đánh giá: “Trong lúc hàng chục doanh nghiệp khác ở địa phương phải giải thể do ảnh hưởng suy thoái kinh tế mà các “chiến hữu” vẫn ổn định và phát triển, có nhiều doanh nghiệp lại làm ăn có lãi thì rất đáng tự hào. Các anh đã thể hiện đúng phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ: “Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Còn ông Nguyễn Xuân Dũng, Cục trưởng Cục thuế tỉnh khẳng định: “Năm qua, các doanh nhân CCB nộp ngân sách trên 40 tỷ đồng là một đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế tỉnh nhà”.
      Những ngành nghề kinh doanh của những người từng cầm súng ở đây, họ biết chắc thắng mới “đánh”, tập trung kinh doanh dựa  nhiều vào thế mạnh của địa phương như du lịch và dịch vụ, bất động sản…Tuy nhiên, tại hội thảo, những tâm tình ấy cũng đủ để những người dự hội thảo chia sẻ bao khó khăn mà các doanh nhân đang phải đối mặt và đồng lòng tìm cách vượt qua.
      Ông Nguyễn Xuân Thùy, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB Khánh Hòa nói: “Họ đã từng vào sinh ra tử trong những năm chiến tranh, nhưng bây giờ ở nơi không có tiếng súng mà khó khăn thử thách cũng rất khắc nghiệt, đòi hỏi những cựu binh trên trận tuyến mới phải căng mình ra để “chiến đấu” mà tồn tại. Thương trường như chiến trường”. Nếu như ông Nguyễn Tư Quân, chủ một doanh nghiệp chuyên về chăn nuôi heo ở Cam Lâm gặp khó từ khâu mua giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm, thuê đất…thì cựu binh Nguyễn Văn Dũng chủ doanh nghiệp dịch vụ ăn uống thủy sản ở Nha Trang lại gặp khó vì cái…”sổ đỏ” cả chục năm rồi vẫn chưa ổn. Một cựu binh khác đang là chủ một khách sạn lớn trên đường Trần Phú phàn nàn về những quy định “cấm xe 24 chỗ đậu đỗ” khiến khách sạn của ông không biết phải làm thế nào để giữ chân khách...
       Đáng nói nhất ở đây là trường hợp của doanh nghiệp Du lịch Nhân Tâm do CCB Cù Văn Thành làm chủ. Khu du lịch của ông Thành được đầu tư trên 10 năm qua, trên diện tích gần 20 ha. Cách đây vài năm, doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng 2,5 tỷ đồng để đầu tư thêm thì gặp đúng thời kinh tế khó khăn. Nợ chồng nợ, doanh nghiệp bị ngân hàng đưa vào “danh sách đen”, thậm chí cơ quan chức năng đã triển khai biện pháp thu hồi vốn. Cũng lại với tinh thần người lính, nhân chuyến ông Thuỳ và các thành viện trong Ban chấp hành Hội doanh nhân đến thăm doanh nghiệp, ông Thành trình bày khó khăn và mong hội giúp đỡ. Trước yêu cầu của hội viên, ông Nguyễn Xuân Thuỳ đã quyết định bỏ ra gần 3 tỷ đồng giúp ông Thành trả nợ cho ngân hàng. Đồng thời đứng ra vay lại 3,5 tỷ đồng để doanh nghiệp Nhân Tâm đầu tư thêm. Riêng doanh nghiệp của ông Thuỳ đã khảo sát và quyết định liên kết, đầu tư thêm các dịch vụ du lịch, nhằm tạo ra đa dạng các dịch vụ, giúp du khách có thêm nhiều lựa chọn đáp ứng ngày càng tốt hơn, cũng như giữ chân du khách ở lại lâu hơn. Giờ đây, du khách đến với Khu du lịch Nhân Tâm (Diên Khánh, Khánh Hoà) có thêm hồ bơi, tắm khoáng nóng, công viên nước…qua đó, du khách ngày càng đến đông hơn, nhất là du khách người Nga. 
NGHĨA TÌNH DOANH NHÂN CCB
      Những doanh nhân CCB Khánh Hòa không chỉ vượt qua mọi khó khăn, mà còn là mẫu mực của sự chia sẻ, giúp đỡ nhau và giúp đỡ đồng bào. Sau khi rời quân ngũ, họ thấy cái đói cái nghèo như là giặc, đó là cuộc chiến mới. Vì vậy, cùng với việc vật lộn với thương trường, các doanh nhân vẫn dành một khoản lợi nhuận ít ỏi để giúp đỡ đồng đội mình và giúp những gia đình nghèo. Gần 2.000 việc làm thường xuyên, có thu nhập ổn định là một nỗ lực không nhỏ của các doanh nhân cựu chiến binh Khánh Hòa. Trong hai năm qua, đã có hàng tỷ đồng đóng góp vào quỹ để giúp đỡ con em đồng đội của họ bị chất độc da cam, giúp trên 150 hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững; giúp 4 bà mẹ VN anh hùng 60 triệu đồng để lập sổ tiết kiệm. Có những doanh nhân như ông Đỗ Hữu Việt - chủ doanh nghiệp sản xuất nước mắm 584 đã ủng hộ cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa 1 tỷ đồng bằng chính sản phẩm của Công ty, 300 triệu đồng cho hoạt động tình nghĩa. Doanh nhân Phạm Văn Đoàn (Cam Ranh) ủng hộ một hộ nghèo toàn bộ gạo ăn hàng tháng (300.000đ/tháng) cho đến khi thoát nghèo, Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng-thương binh Trường Sa, chủ doanh nghiệp Thiên Phước (Nha Trang), đã vượt khó, làm giàu chính đáng. Giờ đây, doanh nghiệp của ông là một địa chỉ giúp các cháu con cựu binh và gia đình nghèo có việc làm…
      Doanh nhân CCB Đỗ hữu Việt - Giám đốc Cty CP Chế biến, thủy sản 584 - Thương hiệu nước mắn nổi tiếng.
      Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng-thương binh Trường Sa, chủ doanh nghiệp Thiên Phước 
luôn quan tâm giúp đỡ nghười nghèo
 Nhớ tháng trước, tại “Đại bản doanh” của CCB Nguyễn Xuân Thùy (Số 9, Nguyễn Thiện Thuật.TP.Nha Trang), trên 150 đại biểu và khách mời về dự Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nhân CCBVN. Các doanh nhân cả nước về đây đã đóng góp, gửi tặng Qũy “Vì trường Sa thân yêu”, Qũy vì người nghèo và Qũy khuyến học của tỉnh Khánh Hòa…gần 4 tỷ đồng và trao tặng 22 nhà tình nghĩa (mỗi căn nhà trị giá 60 triệu đồng) cho cựu chiến binh nghèo của tỉnh. Đó chính là sự thể hiện tấm lòng người lính trên mặt trận kinh tế, dù họ ở bất cứ nơi nào trên đất nước này vẫn giàu long nhân ái.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn mà các doanh nhân cựu chiến binh cả nước nói chung và của Khánh Hòa nói riêng đã làm được những điều tốt đẹp trên càng khẳng định doanh nhân CCB không chỉ đánh giặc giỏi, mà còn làm kinh tế cũng giỏi.
 
                                                                

Tác giả bài viết:    Bài và ảnh: Công Thi - PV. Báo CCB Việt Nam

Nguồn tin: Văn phòng Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa  :

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây